Phân biệt các loại trà
Trước đây, hầu hết các loại trà ở Việt Nam đều là trà xanh. Và thật sự chúng ta cũng không có nhiều loại trà, nên mọi người thường chỉ biết trà theo tên gọi cụ thể, như trà Thái Nguyên, trà Sen, trà Lài, Trà Ô Long… Tuy nhiên gần đây, Việt Nam có thêm rất nhiều loại mới. Nhiều người đã ngộ nhận khi đánh giá hay so sánh về các loại trà đó vì không hiểu chúng thuộc các phân loại khác nhau. Vậy nên, tôi sẽ cho chỉ cho bạn cách phân loại chúng để bạn sẵn sàng khám phá các hương vị đa dạng của thế giới trà.
Cấp độ oxy hoá và phân loại trà
Có hàng nghìn loại trà trên thế giới, nhưng tất cả đều được làm từ một cây duy nhất, cây trà (Cemellia sinensis). Các loại trà thành phẩm khác nhau bởi hình dáng và thành phần hoá học của lá sau khi chế biến.
Chế biến trà gồm 5 bước cơ bản:
- Hái: bao gồm hái búp, lá và xử lý cơ bản.
- Làm héo: làm héo và mềm lá trà.
- Vò : làm dập vỡ các tế bào và tạo hình cho lá khi thành phẩm
- Oxy hoá: vấn đề này tôi sẽ nói rõ hơn ở đoạn dưới.
- Sấy: định hình và làm khô.
Không phải mọi loại trà đều trải qua tất cả các công đoạn này. Một số loại trà có thể bỏ bớt một vài bước hoặc lặp đi lặp lại một bước nào đó nhiều lần.
Quan trọng nhất trong 5 bước đó là quá trình Oxy hoá. Đây chính là thước đo để phân loại các loại trà. Oxy hoá là quá trình các enzym trong lá trà tương tác với Oxy trong không khí khi các tế bào lá trà bị phá vỡ. Người ta có thể tác động để quá trình này diễn ra nhanh hơn như cắt, nghiền, cán… lá trà hoặc làm chậm hơn thông qua quá trình phân huỷ tự nhiên.
Tôi phải nói kỹ về bước Oxy hoá bởi vì nó là quá trình làm thay đổi thành phần hoá học của lá trà. Hương vị trà được định hình chính là từ quá trình này. Dựa vào cấp độ Oxy hoá mà trà được phân ra làm 3 loại trà chính: trà xanh (không oxy hoá), trà đen (oxy hoá hoàn toàn) và trà ô long (oxy hoá một phần)
Trà Xanh
Hầu hết các loại trà ở Việt Nam đều thuộc nhóm trà xanh, đặc trưng là trà xanh Thái Nguyên, trà tuyết Hà Giang, trà cổ thụ…
Trà xanh được làm bằng 4 bước: hái búp, làm héo, vò và sấy. Để trà không bị oxy hoá thì ngay từ khi búp trà được hái xuống, người ta tiến hành làm rất nhanh công đoạn làm héo, và lập tức ngăn chặn quá trình oxy hoá bằng cách xào hoặc hấp. Nhiệt độ cao sẽ làm các enzym trong lá trà ngưng hoạt động.
Sợi trà xanh được tạo hình bằng cách xoa trên tay, nhấn trên chảo, vò hay lăn, tạo ra rất nhiều hình dạng khác nhau. Trà xanh thường có nước trà màu xanh hoặc vàng, có mùi cháy (trà xào) hoặc mùi lúa non (trà hấp), vị chát.